Hotline
+84.987 901 039
Email
hoangthien@thienphuclogistics.com
EnglishVietnamese

Không có người giỏi và tâm huyết, rất khó có đột phá

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Kim Chinh – Chủ tịch HĐQT Công ty Vận tải biển Tân Bình trước những khó khăn lớn mà ngành vận tải biển đang phải đối mặt.

– Là người nhiều năm gắn bó với lĩnh vực kinh doanh vận tải quốc tế, xin ông cho biết suy nghĩ của mình về tình hình kinh doanh vận tải biển hiện nay?

Vận tải biển luôn là ngành “nhạy cảm” với tình hình chính trị, kinh tế thế giới, nhất là sự lên xuống của giá nhiên liệu và cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa trong và ngoài nước.

Chính vì điều này mà trong giai đoạn kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng vừa qua đã làm cho không ít công ty vận tải biển làm ăn thua lỗ, nhiều đơn vị phá sản.

Bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng đã phải liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh, cảnh giác, linh hoạt trong mọi tình huống và khó khăn lắm mới duy trì được sự ổn định để có thể sẵn sàng bứt phá khi kinh tế khởi sắc hơn.

– Ông có nhận định gì về tương lai gần của ngành vận tải biển?

Theo tôi, khó khăn của ngành vận tải biển sẽ còn kéo dài tới hết năm 2013. Sang năm 2014 thì vận tải biển mới có thể phục hồi được, nhưng chắc chắn sẽ không có nhiều sự bứt phá. Còn về lâu dài thì cá nhân tôi vẫn tin rằng vận tải biển vẫn là lĩnh vực nhiều tiềm năng và sẽ bứt phá nhanh, mang về nhiều ngoại tệ cho đất nước. Tuy nhiên để cạnh tranh thắng thế và tìm được chỗ đứng vững chắc lâu dài thì việc cần làm lúc này đối với vận tải biển Việt Nam là đẩy mạnh trẻ hóa và cơ cấu hợp lý đội tàu. Trong đó nên chú trọng đầu tư vào các loại tàu bách hóa, tàu container, tàu dầu… có kỹ thuật hiện đại, trọng tải lớn. Cùng với đó, các công ty vận tải biển hãy đầu tư nhiều hơn nữa cho phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời liên tục linh hoạt, không ngừng nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, khai thác nguồn hàng xuất khẩu, nhất là nguồn hàng xuất khẩu trong nước để tạo dựng thương hiệu trên thị trường vận tải khu vực và thế giới.

– Có nhiều việc cần làm để tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước. Tuy nhiên, theo ông thì đâu là việc cốt yếu nhất?

Vận tải biển chỉ có thể khởi sắc trở lại sau năm 2013

Tôi cho rằng, việc đầu tiên và quan trọng nhất, cơ bản nhất vẫn là công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hàng hải, trong đó có lĩnh vực vận tải biển. Nếu không có người giỏi và tâm huyết thì rất khó có sự đột phá. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực vận tải biển phải coi trọng cả lý thuyết và thực hành, theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo tôi, thời gian tới, cần phải tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, qua đó, tạo điều kiện cho người học có kiến thực lý thuyết tốt nhất đồng thời có tay nghề cao, khả năng thực hành và ngoại ngữ tốt, đáp ứng nhu cầu hàng hải quốc tế.

Có một thực tế là hiện nay, nhiều sĩ quan thuyền viên đi tàu chỉ để tranh thủ một vài năm có kinh tế là chuyển ngay lên bờ. Họ sợ đi biển gặp nhiều rủi ro, vất vả, sợ xa gia đình… Thiếu con người có tâm huyết với nghề thì vận tải biển rất khó có sự cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài.